Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
VINATEX TĂNG ĐẦU TƯ ĐỂ NỘI ĐỊA HÓA SẢN PHẨM
 
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tập đoàn và các công ty thành viên đang tăng cường đầu tư một loạt dự án sản xuất nguyên phụ liệu nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may xuất khẩu.
 
 
Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị Vinatex mart
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay tập đoàn đã triển khai 46 dự án với tổng mức đầu tư 6.144 tỉ đồng, trong đó có 14 dự án sợi, 4 dự án dệt, 20 dự án may và 20 dự án khác.
­Theo ông Trường, trong các dự án này, đã có 3 dự án sợi được đưa vào hoạt động, gồm dự án nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh quy mô 30.000 cọc sợi; dự án Sợi Phú Bài 2, quy mô 15.000 cọc và dự án nhà máy sợi Đồng Văn của Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội. Tổng sản lượng sợi tăng thêm của ba nhà máy này đưa vào hoạt động là 1.270 tấn sợi (Ne30).
Vinatex cũng đã đưa vào hoạt động các dự án dệt nhuộm như Nhà máy Dệt Yên Mỹ với sản lượng tăng thêm là 180.000 mét vải; Tổng công ty Phong Phú với dự án đầu tư một máy hồ và một máy canh đã qua sử dụng, năng lực dệt nhuộm tăng thêm 63 tấn vải dệt thoi.
Ngoài ra còn có các dự án dệt và sợi đang triển khai khác như Nhà máy sợi Phú Hưng tại Thừa thiên Huế; dự án nhà máy sợi PVTEX Nam Định, dự  án nhà máy sợi PVTEX Phú Bài 3; dự án nhà máy sợi Đông Phú; dự án đầu tư Nhà máy wash Tam Quan của Tổng công ty Phong Phú với quy mô 4,5 triệu sản phẩm/năm.
Theo ông Trường, mục tiêu cuối cùng của việc tăng tốc đầu tư là nhằm hình thành và nâng cao chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn, khép kín quy trình sản xuất từ sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may, chuyển dần từ hình thức gia công sang làm hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm).
Ông Trường cho rằng, việc tăng cường đầu tư như trên đã giúp gia tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của các công ty thành viên trong thời gian qua, giảm đáng kể tỉ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu ở nước ngoài. Theo số liệu của Vinatex, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn đạt khoảng 1,281 tỉ đô la Mỹ, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu trong cùng thời gian chỉ tăng 7% ước đạt 581 triệu đô la Mỹ, tỷ lệ nội địa hóa của Vinatex đạt hơn 50%.
Dự báo của doanh nghiệp trong ngành, thương mại dệt may toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới là cơ sở để đánh giá dệt may vẫn sẽ là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay ngành dệt may Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng sản phẩm thấp.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là Mỹ nhờ mức thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm xuống 0% so với mức từ 16-32% hiện nay.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong hơn 3.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, số lượng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 25% nhưng kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu của toàn ngành dệt may Việt Nam là 6,578 tỉ đô la Mỹ, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó riêng nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu là 5,378 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,1%.
 
Theo TBKTSG Online