Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
Vinatex - Đại hội cổ đông đầu tiên sau cổ phần hóa
 
Sáng 8/01/2015, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên sau khi cổ phần hóa thành công.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động đúng vào thời điểm ngành dệt may Việt Nam đứng trước những cơ hội, vận mệnh mới để phát triển nhảy vọt, khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan vừa kết thúc đàm phán và TPP cũng đang trong giai đoạn đàm phán tích cực. Hơn nữa, khi có sự tham gia của các cổ đông chiến lược, Vinatex được gia tăng sức mạnh tài chính, công nghệ, thị trường, để tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển chuỗi cung ứng toàn diện dệt may, gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may Việt Nam, đặc biệt là củng cố và phát triển thương hiệu cũng như sản phẩm cốt lõi của Tập đoàn.
 
 
Đoàn chủ tịch
 
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, trong năm 2014, doanh thu của Vinatex tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 51 ngàn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013. Về cơ bản, các doanh nghiệp của Tập đoàn đã đủ đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2015. Mục tiêu của Vinatex là đạt tăng trưởng doanh thu ít nhất 12%/năm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Bùi Xuân Khu, người trước đây từng nắm chức vụ cao nhất trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đã nêu ý kiến tâm huyết: “Vinatex có tiềm lực mạnh, có vốn ở những đơn vị làm ăn rất hiệu quả như Phong Phú, May 10, Việt Tiến, Nhà Bè… Với một Hội đồng quản trị giỏi, thì các cổ đông và cơ quan quản lý nên tạo cơ chế thông thoáng, các chính sách Nhà nước được thực thi đồng bộ để HĐQT có thể ra quyết định nhanh gọn, sẽ giúp cho Vinatex thực sự cất cánh trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, các cổ đông chiến lược nên có những đóng góp tích cực từ thế mạnh của mình, thậm chí tranh luận và gợi mở giúp Tập đoàn thực sự thoát ra khỏi những phương thức cũ của một Tập đoàn Nhà nước, giải phóng sức mạnh để phát triển tốc độ hơn nữa.”
Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex cũng khẳng định: “Vinatex còn có một thế mạnh và tài sản vô hình, đó là trách nhiệm xã hội mà chúng ta gánh vác lâu nay, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, khi các doanh nghiệp của chúng ta phủ khắp các vùng miền và tạo ra nhiều việc làm, thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội địa phương, tạo nên sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội. Với mỗi dự án, tuy vốn đầu tư của chúng ta không lớn, chỉ từ vài chục tỷ đồng đã có thể tạo ra hàng trăm việc làm cho người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, giải quyết một lúc hai bài toán là lao động và kinh tế ”.
Nhấn mạnh thêm điều này, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: “Việc Vinatex thực hiện IPO thành công cũng như giành được sự đồng thuận cao trong Đại hội cổ đông lần đầu chứng tỏ rằng, các cổ đông hướng tới sự đầu tư vào tương lai phát triển lâu dài của Vinatex, không nhìn vào lợi nhuận trước mắt. Sự tăng trưởng mạnh và bền vững của Vinatex trong những năm qua chứng tỏ Tập đoàn không chỉ nắm bắt tốt cơ hội, mà còn có nội lực mạnh. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở đường thông thoáng giúp cho Vinatex phấn đấu vượt mục tiêu đề ra để có doanh thu và tỷ suất lợi nhuận cao hơn nữa.”
 
 
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tặng hoa cho Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Tập đoàn Dệt May Việt Nam
 
Tại đại hội, các cổ đông cũng nhất trí bầu ra 7 thành viên Hội đồng quản trị, bao gồm:
1. Ông Trần Quang Nghị
2. Ông Lê Tiến Trường
3. Ông Lê Khắc Hiệp
4. Ông Lê Đình Ngọc
5. Ông Đặng Vũ Hùng
6. Ông Phạm Phú Cường
7. Ông Don Di Lam
Ban kiểm soát:
1. Ông Đỗ Trí Hiếu
2. Bà Nguyễn Thị Minh Hiền
3. Bà Nguyễn Thị Kim Dung
4. Ông Phan Thanh Sơn
5. Bà Lê Thị Ánh Ngọc
Sau đó Hội đồng quản trị đã họp và thống nhất bầu ông Trần Quang Nghị làm Chủ tịch Tập đoàn và bổ nhiệm ông Lê Tiến Trường làm Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Ban kiểm soát cũng đã họp và thống nhất bầu bà Nguyễn Thị Minh Hiền là Trưởng ban.
Ban TTTT