Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
Năm Kỷ Hợi: Dệt may liệu có cất cánh?
 
Dệt may Việt Nam đã kết thúc một năm 2018 thành công với kim ngạch xuất khẩu 36 tỉ USD. Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 1 vừa qua, Dệt may đang kỳ vọng bứt phá với kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2019 đạt 40 tỉ USD. Liệu mục tiêu này có khả quan và những yếu tố nào sẽ tác động đến ngành này trong 2019?
 
Những lợi thế trong năm mới
Những hiệp định thương mại tự do được thông qua sẽ mở cửa thị trường và mang nhiều lợi thế cho ngành dệt may Việt Nam. Ngay ngày đầu tiên của năm mới (01/01/2019), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Mặc dù không có thị trường Mỹ (một trong những nước nhập kh.ẩu chính của dệt may Việt Nam) trong CPTPP nhưng cơ hội cho dệt may Việt Nam vẫn lớn.
 
CPTPP được đánh giá sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam
 
CPTPP được đánh giá sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho dệt may Việt Nam
 
Một hiệp định khác EVFTA cũng sẽ được thông qua trong 2019, thị trường châu Âu hiện đang đứng thứ 2 trong xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Theo đó, các dòng thuế quan và những tiêu chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu sẽ tạo nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Tổng công ty CP Phong Phú (Mã Chứng khoán: PPH), Sợi Thế Kỷ (STK), Dệt may Thành Công (TCM)… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại, việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, chia sẻ “Quy tắc linh hoạt cho phép thành phẩm dù linh hoạt xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt”.
Cụ thể như ngành sợi, có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm. Ví dụ, trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền "linh hoạt" 10 tấn vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn tại thị trường EU như May Sông Hồng (30%), May Sài Gòn (32%), TNG (58%), May 10 (36%) và Vinatex (17%) sẽ hưởng lợi gián tiếp nhờ sự tăng trưởng đơn hàng từ các đối tác thời trang lớn.
Nhìn từ góc độ kinh tế, cơ hội đầu tư kinh tế Mỹ và EU được dự báo tăng trưởng ổn định giúp kích cầu tiêu dùng hàng may mặc. Theo quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ và EU trong năm 2019 sẽ giảm nhẹ tăng trưởng so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn ở mức tích cực, lần lượt là 2,5% và 1,9%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc, giúp duy trì sản lượng nhập khẩu từ các nước.
Cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận cũng sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm tăng sản lượng đơn hàng dệt may gia công tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
 
Những điểm nghẽn của ngành
Nhìn lại 2018, nhiều yếu tố tác động nhưng “Dệt may vẫn hết sức thắng lợi khi tăng trưởng đạt 16,6%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 trở lại đây”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ tại hội thảo Bộ Công thương.
Năm qua, có 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới có tốc độ tăng trưởng ở mức 5%. Nhưng Ấn Độ và Bangladesh (nằm trong top 5 xuất khẩu thế giới) tụt giảm đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 về xuất khẩu lên vị trí thứ 2, sau Trung Quốc.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích “Lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ tại Việt Nam đang suy giảm”. Kéo theo đơn hàng có thể dịch chuyển sang các thị trường lân cận như Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar.
 
Năm Kỷ Hợi: Dệt may liệu có cất cánh?
 
Kèm theo đó là các rủi ro từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và áp thuế bổ sung. Trước tình hình nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư tận dụng nguồn gốc xuất xứ, Mỹ sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước phải chủ động đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên phụ liệu may mặc thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Hiện nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc đến 50%.
Khâu dệt nhuộm cũng là một điểm nghẽn, nếu không đầu tư đúng mức để phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thì Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội này. Lợi nhuận từ đó sẽ giảm sút dưới áp lực cạnh tranh.
Theo dự đoán của Tổng giám đốc Vinatex, năm 2019 thực sự là một năm thách thức đối với ngành dệt may. Theo ông Trường, mặc dù chúng ta có hai hiệp định chính thức đi vào hiệu lực nhưng đối với thế giới thì tăng trưởng toàn cầu chững lại, dự báo GDP đều giảm ở các nền kinh tế mà ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật.
Mặt khác, chính sách tiền tệ của các nước còn nhiều phức tạp, ngân hàng tăng lãi suất... nhu cầu hàng tiêu dùng có xu hướng giảm. Ấn Độ, Indonesia sẽ cố gắng cải thiện tình hình xuất khẩu trong năm 2019, sẽ phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam.
Mục tiêu xuất khẩu dệt may đưa ra trong 2019 là 40 tỉ USD, thấp nhất cũng vào khoảng 38 tỉ USD. “Tận dụng CPTPP, ngành dệt may phấn đấu tăng xuất khẩu 1 tỉ USD tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, mỗi nước khoảng 500 triệu USD”, ông Trường chia sẻ. Xuất khẩu sang các nước CPTPP mới chỉ đạt 5,3 tỉ USD, trong đó thị trường truyền thống Nhật Bản đã chiếm 4 tỉ USD, vì vậy thị trường còn nhiều tiềm năng.
Ngành dệt may cần thay đổi để bắt kịp cơ hội, vượt qua thách thức
 
Ngành dệt may cần thay đổi để bắt kịp cơ hội, vượt qua thách thức
Để đạt được ngưỡng 40 tỉ USD, ông Trường kiến nghị, Bộ Công Thương quan tâm hơn nữa đến phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Đặc biệt vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với các địa phương tạo điều kiện thu hút cấp phép các doanh nghiệp đầu tư lớn về phát triển sản xuất nguyên liệu để tận dụng hiệu quả các FTA trong đó có CPTPP, EVFTA.
Ngoài ra, Vinatex đề xuất các bộ, ngành tập trung giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp dệt may liên quan đến thuế của hàng hóa gia công. Đây là điểm đặc thù doanh nghiệp lớn, bởi họ không chỉ nhận hàng gia công tại đơn vị mình mà còn nhận ở các cơ sở vệ tinh khác trong khi thuế quan ở đó đang khá phức tạp.
Năm 2019, thị trường dệt may còn nhiều biến động phía trước vì những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, Brexit tại Liên minh châu Âu chưa đến hồi chấm dứt... Kinh tế toàn cầu bất ổn sẽ tiềm ẩn rủi ro làm mất giá VND, gây thiệt hại cho doanh nghiệp dệt may về tỷ giá khi nhập khẩu nguyên phụ liệu…
(Thanh Hương)